Sự cố công trình: Định nghĩa và phân loại

Trong nội dung của Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia hàng năm có phần thống kê của các địa phương, ngành về sự cố các công trình xây dựng. Để đảm bảo sự tiếp cận một cách thống nhất, Bộ Xây dựng đã ban hành Hệ thống chỉ tiêu và chế độ báo cáo thống kê tổng hợp ngành xây dựng hướng dẫn chi tiết về sự cố công trình. Tuy vậy, nội dung hướng dẫn này vẫn chưa cụ thể còn định tính.

su-co-cong-trinh

Sập sàn bê tông Hội trường UBND huyện Đông Hòa (Phú Yên) năm 2012

Định nghĩa sự cố: Sự cố công trình là những hư hỏng vượt quá giới hạn an toàn cho phép làm cho công trình có nguy cơ sập đổ, đã sập đổ một phần, toàn bộ công trình hoặc công trình không sử dụng được theo thiết kế (theo khoản 29 điều 3 Luật Xây dựng).

Theo định nghĩa này, sự cố cố thể được phân chi tiết hơn thành các loại sau:

Sự cố sập đổ: bộ phận công trình hoặc toàn bộ công trình bị sập đổ phải dỡ bỏ để làm lại.

Sự cố về biến dạng: Nền, móng bị lún; kết cấu bị nghiêng, vặn, võng…làm cho công trình có nguy cơ sập đổ hoặc không thể sử dụng được bình thường phải sửa chữa mới dùng được.

Sự cố sai lệch vị trí: Móng, cọc móng sai lệch vị trí, hướng; sai lệch vị trí quá lớn của kết cấu hoặc chi tiết đặt sẵn…có thể dẫn tới nguy cơ sập đổ hoặc không sử dụng được bình thường phải sửa chữa hoặc thay thế.

Sự cố về công năng: công năng không phù hợp theo yêu cầu; chức năng chống thấm, cách âm, cách nhiệt không đạt yêu cầu; thẩm mỹ phản cảm…phải sửa chữa, thay thế để đáp ứng công năng của công trình.

su-co-cong-trinh-1

Sập nhà 5 tầng tại Hà Nội do bị phá vỡ kết cấu

su-co-cong-trinh-2

Sập cầu Cần Thơ nghiêm trọng năm 2007

Để xác định được mức độ hư hỏng và khả năng chịu lực còn lại của kết cấu có thể tiến hành phân tích tính toán căn cứ vào các số liệu đo được tại hiện trường, nhưng tốt nhất là nên áp dụng phương pháp thử tải. Tuy phương pháp này đòi hỏi tốn kém và nhiều thời gian nhưng cho độ tin cậy cao nhất. Tuy vậy, để có phương hướng xử lý sự cố công trình, chúng ta nhận dạng sơ bộ dựa theo kinh nghiệm có thể xếp tình trạng hư hỏng của công trình 5 mức độ hư hỏng nặng nhẹ khác nhau và cách xử lý  được nêu trong bảng 1.

 Bảng 1. Bảng phân cấp mức độ hư hỏng kết cấu công trình và phương hướng xử lý

 

Tình trạng hư hỏng

Phương hướng xử lý

1. Rất nhẹ Không có biểu hiện biến dạng, ít bị nứt, số dầm bị nứt không quá 10%, khe nứt cực đại dưới 0,8 mm, khả năng chịu tải còn lại 90%.

Sửa chữa định kỳ

2. Nhẹ Không quan sát được biến dạng bằng mắt thường. Khe nứt phát hiện được trên sàn, tường ngăn, số dầm bị hỏng không quá 20%, khe nứt cực đại dưới 3,0 mm, cửa sổ cửa đi hơi bị kẹt, khả năng chịu tải còn lại > 80%.

Sửa chữa cục bộ

3. Vừa Biến dạng không lớn. Tình trạng nứt nhiều, cả trong và ngoài nhà. Số dầm bị hỏng không quá 30%, bề rộng khe nứt cực đại 12 mm, cửa bị kẹt, đường ống nước và khí bị rò ra ngoài. Khả năng chịu tải còn lại trên 70%.

Sửa chữa cục bộ

4. Nặng Biến dạng tương đối lớn, vượt quá giới hạn cho phép, nứt trầm trọng cả trong và ngoài nhà. Số dầm bị hỏng không quá 40% với bề rộng khe nứt không quá 25 mm. Cửa bị kẹt, đường ống nước và khí bị rò. Khả năng chịu tải còn lại trên 60%.

Sửa chữa lớn

5.Rất nặng Biến dạng lớn, có chỗ đã phải chống tạm. Nứt trầm trọng cả trong và ngoài nhà. Số dầm bị hỏng quá 40%, bề rộng vết nứt trên 25 mm. Cửa bị kẹt, đường ống nước và khí bị rò. Khả năng chịu tải còn lại dưới 60%.

Sửa chữa toàn diện

6. Sụp đổ

Trên đây là định nghĩa và phân loại một số sự cố công trình, trong bài viết kỳ tới chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các sự cố cụ thể, thường gặp tại công trình xây dựng để có cái nhìn thực tế hơn đồng thời rút ra được những kinh nghiệm trong quá trình thi công.

Theo CMC