(Tiếp theo phần 2)
Thiết kế sửa chữa và cải tạo công trình cũ
Trong quá trình sử dụng và khai thác công trình, mục đích sử dụng nhiều khi có những thay đổi so với thiết kế ban đầu, để đáp ứng nhu cầu sử dụng thì phải sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình hiện có để thay đổi tính năng, quy mô đáp ứng được chức năng mới mà sử dụng yêu cầu. Trong quá trình thiết kế, nhiều khi các nhà thiết kế đã không xác định tuổi thọ còn lại của công trình cần cải tạo, tuổi thọ phần công trình để lại của công trình cải tạo, xem tuổi thọ của chúng còn tương đương với tuổi của phần công trình được nâng cấp cải tạo hay không nên đã dẫn đến tình trạng tuổi thọ của từng phần công trình được cải tạo không đồng đều đưa đến tuổi thọ của toàn bộ công trình bị giảm.
Những nguyên nhân liên quan đến môi trường
Một trong những vấn đề nóng cần bàn tới trong mối quan hệ giữa chất lượng công trình và an toàn môi trường là những can thiệp “thô bạo” của các đồ án thiết kế gây ra những bất ổn cho sự làm việc an toàn của công trình trong suốt tuổi thọ của nó. Vốn dĩ vỏ trái đất này đã tồn tại ổn định hàng triệu triệu năm. Người thiết kế đã vô tình và phần lớn là cố ý vì những mục đích hẹp hòi đã tạo cho một phần của vỏ trái đất bị biến dạng gây mất ổn định cục bộ. Sự mất ổn định này sẽ làm xuất hiện một xu thế đi tìm sự cân bằng mới. Quá trình này đôi khi thực sự “khốc liệt” và sẽ không có điểm dừng một khi trạng thái cân bằng mới không được tái lập. Vì vậy, trong các dự án xây dựng có ảnh hưởng tới môi trường thường được xem xét rất chi tiết vấn đề an toàn môi trường.
Song, do những nhận thức còn hạn hẹp về vai trò của an toàn môi trường trong sự bền vững của công trình xây dựng và thực trạng chỉ coi trọng lợi ích trước mắt, công trình xây dựng đã, đang và sẽ bị thiên nhiên tác động phá hoại và làm hao tổn tuổi thọ.
Những nguyên nhân về thiết kế liên quan đến môi trường ăn mòn
Những sai sót của người thiết kế dẫn đến công trình xây dựng bị sự cố do tác động ăn mòn của môi trường như:
– Quy định sai về chiều dày lớp bảo vệ;
– Sử dụng mác bê tông thấp không đảm bảo khả năng ngăn chặn sự ăn mòn của môi trường;
– Không sử dụng các biện pháp cần thiết để tăng khả năng chống ăn mòn cho kết cấu.
Các trường hợp khác
– Khi tính toán, một số quan niệm tính toán không thích hợp với điều kiện thực tế thi công, nhưng người thiết kế không chú thích rõ ràng đầy đủ nên trong bản vẽ thiết kế thi công không chi tiết để người thi công thực hiện, ví dụ: thi công hố đào;
– Không có biện pháp cấu tạo để công trình chịu sự thay đổi của nhiệt độ, khi nhiệt độ thay đổi làm kết cấu bị co giãn, công trình bị nứt ở kết cấu chịu tác động của nhiệt, tạo điều kiện cho các tác nhân khác ăn mòn kết cấu dẫn đến kết cấu bị hư hỏng.
3. Giai đoạn thi công xây dựng
Trong thi công, nhà thầu không thực hiện đúng các quy trình quy phạm kỹ thuật đã dẫn đến sự cố công trình xây dựng:
– Không kiểm tra chất lượng, quy cách vật liệu trước khi thi công;
– Không thực hiện đúng trình tự các bước thi công;
– Vi phạm các quy định về điều kiện năng lực, quản lý kỹ thuật thi công.
Trong cuộc đấu thầu gần đây, nhiều công trình có giá trúng thầu rất thấp so với giá dự toán được duyệt. Thậm chí có những nhà thầu bỏ thầu thấp hơn rất nhiều so với chi phí cần thiết. Vì vậy khi thực hiện thi công xây lắp các nhà thầu đã giảm mức chất lượng, chủng loại, xuất xứ, đưa các thiết bị, vật liệu chất lượng kém vào trong công trình và tìm cách bớt xén các nguyên vật liệu để bù chi phí và có một phần lợi nhuận.
Chất lượng biện pháp thi công:
Trong hồ sơ đấu thầu xây lắp, hầu hết các nhà thầu đều đưa ra được phần thuyết minh biện pháp thi công hoàn hảo với một lực lượng lao động hùng hậu, thực tế lại không như vậy. Lực lượng công nhân phổ biến ở các công trường hiện nay hầu hết là thợ “nông nhàn”. Việc sử dụng lực lượng lao động này là một điều rất đáng lo ngại, không những ảnh hưởng tới chất lượng công trình mà còn có nguy cơ để xảy ra tai nạn lao động nhiều nhất (một sự cố xảy ra giữa năm 1998 làm chết 5 người và 11 người bị thương đều là những người thợ xây dựng “bất đắc dĩ ” đó). Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý kỹ thuật cũng được sử dụng không đúng với chuyên môn. Nhiều kỹ sư vật liệu trẻ mới ra trường không có việc làm lại được thuê làm kỹ thuật giám sát kiểm tra thi công cọc khoan nhồi mà khi hỏi các kỹ sư này không hiểu cọc khoan nhồi là gì? Chính vì sử dụng những lực lượng lao động như vậy đã làm cho công trình không đảm bảo chất lượng.
Vi phạm khá phổ biến trong giai đoạn thi công là sự tùy tiện trong việc lập biện pháp và quy trình thi công. Những sai phạm này phần lớn gây đổ vỡ ngay trong quá trình thi công và nhiều sự cố gây thương vong cho con người cũng như sự thiệt hại lớn về vật chất.
Thông tin về các sự cố công trình là hết sức bổ ích đối với thực tiễn nhưng tiếc thay chúng ta chưa có thói quen là cần phổ biến. Cách nhìn nhận của chúng ta về sự cố công trình vẫn còn nặng về trách nhiệm của tổ chức và cá nhân liên quan tới sự cố đó. Như đã phân tích ở trên, giá trị của việc phổ biến sự cố sẽ mang lại giá trị thực sự lớn đó là bài học giúp chúng ta phòng ngừa để không tái lặp những sự cố tương tự.
Vì vậy, mục tiêu quan trọng nhất của bất kỳ cuộc điều tra sự cố công trình hay điều tra sự xuống cấp sớm là tìm nguyên nhân kỹ thuật của sự việc, từ đó tìm ra bài học để những sự cố, sự xuống cấp đó không xảy ra trong tương lai. Khi đã có nguyên nhân được xác định một cách khoa học, khách quan, chính xác thì việc phân định lỗi của tổ chức, cá nhân mới thực sự công bằng và “tâm phục, khẩu phục”.
Theo CMC tổng hợp