Trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra hàng loạt sự cố ngay trong giai đoạn thi công xây dựng công trình, gây thiệt hại về người và tài sản. Các sự cố này đã cho thấy một thực trạng rằng chất lượng và sự an toàn của các công trình xây dựng cần được xem xét một cách nghiêm túc và thấu đáo.
Điều này đòi hỏi các nhà quản lý, khoa học cần trao đổi, thảo luận để có đánh giá, phân tích sâu hơn những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm từ những sự cố trong thi công xây dựng công trình và đề xuất các giải pháp mang tính đồng bộ nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý chất lượng để đảm bảo chất lượng công tình xây dựng, giảm thiểu sự cố công trình, đảm bảo phòng ngừa và khắc phục nhanh chóng, hiệu quả các sự cố trong xây dựng, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng các công trình và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Cùng điểm qua một số “điểm nóng” các sự cố công trình xây dựng nghiêm trọng thời gian qua.
Vào 19h30 ngày 3/2/2013, công trình xây kho chứa nguyên liệu của nhà máy giấy Lee & Man ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành. Thi công ở độ cao hơn 7m, sàn bê tông công trình nhà kho chứa nguyên liệu của nhà máy giấy bị sập, khiến 18 công nhân bị thương nặng, trong đó có 1 người chết.
Sáng ngày 17/1/2013, khi hàng chục công nhân và người dân đang thi công đổ bê tông phần mái nhà thờ Giáo họ Ngọc Lâm – Linh Sơn – Đồng Hỷ (Thái Nguyên) thì phần mái bất ngờ đổ sập khiến 2 người tử vong và hàng chục người bị thương.
Ngày 22/11/2012, đập tràn thủy điện Đắk Mek 3 (dưới chân núi Ngọc Linh, thuộc xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, Kontum) bị vỡ, Thủy điện có công suất 7,5MW, được đầu tư với số vốn hơn 200 tỉ đồng. Công trình do Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Nam Việt (trụ sở tại TP.HCM) thiết kế, Công ty thi công cơ giới Hồng Phát thi công.
Vào khoảng 4h sáng hôm nay (12.6), đập dâng thủy điện Ia Krêl 2 (công suất 5MW trên suối Ia Krêl- tại làng Mok Deng, xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai- do Cty thủy điện Bảo Long có trụ sở ở Gia Lai làm chủ đầu tư) đã bị vỡ toác, đe dọa tính mạng hàng trăm hộ dân phía sau đập và phá hủy hàng trăm hécta hoa màu.
Ngày 28/10/2012, cột tháp truyền hình của Đài PT-TH Nam Định mới được đưa vào sử dụng năm 2010 đã bị đánh sập sau khi cơn bão số 8 (Sơn Tinh) độ bộ vào tỉnh này với cấp gió 11, khiến toàn bộ tỉnh mất sóng phát thanh truyền hình, nhưng rất may không có thương vong về người.
Tại hiện trường, cột tháp bị vặn gãy từ phần đế cách mặt đất khoảng 30m, xô vào tòa nhà phát sóng kề bên, sau đó đổ ra hướng ngoài đường và phần thân cột có điểm bị gãy rời ra khỏi phần đế. Tháp cao 180m và được đánh giá là hiện đại nhất miền Bắc. Đây là hạng mục chính trong Dự án xây dựng trung tâm phát thanh, truyền hình cấp vùng tại thành phố Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Được biết tháp truyền hình này do hãng Leblanc thiết kế, kết cấu được làm bằng khung thép do Malaysia sản xuất, trọng lượng trên 170 tấn. Ước tính tổng thiệt hại của sự cố này lên đến hàng chục tỷ đồng.
Theo CMC tổng hợp